HOME STATION | CHUYỂN ĐỔI ĐỂ DẪN ĐẦU THÀNH CÔNG

Chào anh Bách, anh giới thiệu đôi nét về bản thân nhé!

💬 Chào mọi người, mình là Bách, hiện tại mình đang đảm nhiệm vị trí IT Big Data Team Leader tại Home Credit Việt Nam. Công việc của mình bao gồm việc xây dựng và phát triển Big Data Platform cho toàn bộ Home Credit Việt Nam. Tính đến nay, mình đã làm việc ở Home Credit khoảng 2 năm rồi

 

Chúc mừng cột mốc 2 năm của anh Bách tại Home. Trải nghiệm của anh sau 2 năm làm việc ở đây như thế nào?

💬 Thành thật mà nói, đây là 2 năm có nhiều biến động nhất của anh trong sự nghiệp đi làm của anh

Đầu tiên là về mặt scope của công việc, thì ở Home Credit là công ty đầu tiên anh làm ở vị trí quản lý. Trước đây, anh làm ở các vị trí tập trung vào chuyên môn nhiều hơn. Khi vào Home và đảm nhiệm vai trò quản lý, anh cần phải có một tư duy hoàn toàn khác biệt về cách nhìn nhận công việc. Ví dụ như dưới góc độ một người chỉ làm chuyên môn thì chúng ta sẽ tập trung vào việc thực hiện và hoàn thành những công việc được giao, nhưng dưới góc độ quản lý thì mình sẽ phải xử lý nhiều vấn đề hơn.

Đầu tiên thì mình cần phải dựa vào tầm nhìn và chiến lược của công ty, một cái bức tranh mang tính khái quát. Nhiệm vụ của người quản lý là phải làm sao cụ thể hoá và biến nó thành những hạng mục công việc và phân bổ cho các thành viên thực hiện. Ngoài ra, mình cũng phải đảm bảo công việc đang đi đúng tiến độ và đảm bảo yêu cầu.   Và cuối cùng là về khía cạnh con người, cần phải xây dựng một môi trường làm việc mà các thành viên cảm thấy vui vẻ, thoải mái để có thể làm việc hiệu quả và gắn bó với công ty. Đó là sự thay đổi lớn nhất về tính chất công việc của anh, khi mà anh nhận vị trí Team Leader (trưởng nhóm) tại Home.

 

Một số leader lần đầu đảm nhận vai trò hoặc thậm chí một số người đã làm lâu năm vẫn thường gặp khó khăn trong việc quản lý một team có nhiều độ tuổi khác nhau với nhiều tính cách, phòng cách làm việc. Quản lý một team gồm 6 bạn, anh Bách có gặp tình huống tương tự và cách mà anh giải quyết nó như thế nào?

💬 Anh có và anh nghĩ vấn đề lớn nhất là khoảng cách thế hệ; đặc biệt là khi team anh có các bạn đến từ nhiều thế hệ khác nhau. Có những anh em sinh năm 8x, có những bạn cỡ tuổi của anh và thậm chí có cả những bạn mới tuyển vào sinh năm 2000.

Mindset của các thế hệ khác nhau rất nhiều. Đối với thế hệ 8x, mọi người sẽ cần cái giải pháp mang tính ổn định, bền vững và rõ ràng; trong khi đó, các bạn trẻ thường “máu lửa” hơn, thích làm những công việc mang tính thử thách hơn. Do đó, khi làm việc với từng nhóm thế hệ, anh cần phải có một cách tương tác và quản lý sao cho phù hợp để đảm bảo mọi thứ suôn sẻ.

 

Vậy những giá trị cốt lõi nào anh hướng tới khi xây dựng và phát triển một đội nhóm?

💬 Thật ra ở giai đoạn đầu đảm nhận vị trí quản lý, anh chưa hình dung được thế nào là một team. Trước đó anh chỉ nghĩ một team là tập hợp một nhóm người và chỉ có thế thôi. Tuy nhiên, để xây dựng được một team thì đó không chỉ là tập hợp những người cùng làm một công việc thuộc cùng một bộ phận trong một tổ chức; mà phải là tập hợp những người chia sẻ một văn hóa làm việc chung và phải có “chemistry” (tương tác) ở trong đấy. Vậy vấn đề chính là: làm thế nào để xây dựng được văn hóa làm việc chung với nhiều “chemistry” ở trong đó.

Giai đoạn đầu anh khá loay hoay, anh không biết là team mình sẽ phù hợp với “chemistry” nào, những nhóm tính cách nào gia nhập team sẽ phù hợp. Trong IT có một concept mang tên “fail-fast”, tức là: thử và nếu sai thì làm lại. Trong khoảng 6 tháng đến 1 năm đầu, anh thử nghiệm nhiều văn hóa khác nhau, nhiều cách làm việc khác nhau để xem cái nào là phù hợp nhất. Và cú twist xuất hiện khi anh tuyển một anh sinh năm 93 gia nhập team. Anh ấy là một người có mindset cởi mở, khác với đa số những người làm technical (kỹ thuật) khác. Tức là dù anh ấy rất giỏi chuyên môn nhưng chưa bao giờ anh có một mindset đóng là: cái của tôi mới đúng còn những cái khác là không hợp lí, không đáng để xem xét. Thay vào đó, tư duy của anh ấy là: cái này là mình có kinh nghiệm làm rồi, mình biết, nhưng cũng có thể có những cái cách làm khác đi sẽ hiệu quả, chỉ là mình chưa biết hoặc chưa làm qua thôi. Ngoài việc sở hữu một tư duy cởi mở thì anh ấy cũng rất hỗ trợ mọi người trong team. Anh ấy giống như một mắt xích để kết nối mọi người lại với nhau, luôn luôn nhiệt tình và luôn luôn vui vẻ. Sau một thời gian làm việc cùng anh ấy, anh nhận ra rằng, đây thực sự là nhân tố mà mình cần ở trong team và mình phải xây dựng một team gồm những bạn có chung hệ giá trí, có tính cách và phong cách làm việc tương tự.

Bên cạnh cái sự chuyển đổi về vai trò trong công việc, anh có bất kỳ sự chuyển đổi nào trong chuyên môn không?

💬 Định hướng công việc của anh vốn dĩ đã có rất nhiều sự thay đổi từ lúc trước khi anh vào đại học. Thời gian anh học cấp 3, định hướng của anh là trở thành kiến trúc sư và cũng đã theo học các khóa học bổ túc để thi năng khiếu. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà cuối cùng anh theo học ngành Quản trị Kinh doanh. Anh lựa chọn ngành này vì thời điểm đó, ngành này khá hot và anh được những anh chị đi trước chia sẻ rằng: học Quản trị Kinh doanh thì sẽ ra làm trưởng phòng, làm giám đốc, và thu nhập cao. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, anh nhận ra rằng học ngành này không phải ra để làm sếp mà là để làm các vị trí thiên về Sales (bán hàng). Lúc đó anh rơi vào khủng hoảng vì định hướng của mình và bộ kỹ năng mình có không tương đồng với nhau và bản thân anh cũng không hứng thú với việc làm Sales cho lắm.

May mắn là cùng lúc này, một người anh họ làm Data trong một ngân hàng có liên hệ anh để giới thiệu công việc về phân tích chính sách dữ liệu. Lúc nghe giới thiệu xong anh cảm thấy khá thích vì nghe đến phân tích dữ liệu nên anh đã ứng tuyển vào làm. Sau khi làm việc một thời gian, anh bị “vỡ mộng” lần hai, vì công việc thực tế của anh là xây dựng những chính sách liên quan đến dữ liệu, để đảm bảo làm sao dữ liệu được sử dụng một cách đúng đắn, hiệu quả, không bị rò rĩ dữ liệu, làm sao để quản lý nó một cách hợp lý nhất. Công việc đó bây giờ mọi người hay gọi là “Data Governance” nhưng thời điểm của anh thì chưa có thuật ngữ nào “fancy” như thế.

Một thời gian sau anh có trao đổi với sếp về việc chuyển hướng sang làm phân tích đúng nghĩa và may mắn nhận được sự đồng ý và  chuyển qua đội phân tích mang tên “advanced analytist”. Đó cũng là một trải nghiệm rất là thú vị khi lần đầu tiên được tham gia xây dựng các mô hình machine learning (học máy), giải quyết các bài toán của ngân hàng, sử dụng dữ liệu như các bài toán về cross-sales, up-sales, …. Tuy nhiên, thông qua cơ hội này, một lần nữa anh nhận ra rằng mình thích các công việc về data engineer nhiều hơn mặt phân tích dữ liệu và đưa ra insight. Do đó, anh thực hiện thêm một bước nhảy nữa: làm Data Engineer tại một ngân hàng khác. Sau đó, anh có làm việc cho một công ty outsource và tiếp tục làm dự án cho một ngân hàng lớn khác. Cuối cùng, sau khi kết thúc dự án, anh chuyển qua Home Credit, tiếp tục làm công việc data engineer và đảm nhận vị trí quản lý như hiện tại.

Làm data ở Home khác gì với những công ty trước đó anh từng làm?

💬 Một trong những điều mà anh thấy ấn tượng ở Home Credit là lượng data, cũng như là nhu cầu về mặt data, lớn hơn rõ rệt so với các công ty trước anh từng làm. Ví dụ ở ngân hàng anh làm việc đầu tiên, nhu cầu sử dụng data chỉ mới chớm nở, họ vẫn chỉ đang có nhu cầu về làm báo cáo, thống kê tình hình kinh doanh,… nhưng chưa có nhiều bài toán về machine learning, cũng như các nhu cầu sử dụng các big data rõ rệt. Do nhu cầu sử dụng dữ liệu cao nên ở Home, thay vì các team làm về dữ liệu được hệ thống vào cùng một bộ phận, thì các team được rải đều ở các bộ phận khác nhau. Chúng ta có team làm về dữ liệu của CRM, team làm về dữ liệu của Risk và của Sales,…. Và ở Home chỉ có đúng một team chuyên làm về data duy nhất là team Data Engineer, chính là team mà anh đang quản lý và vận hành.

Cũng vì vậy mà những bài toán về dữ liệu ở Home cũng đa dạng hơn. Ngoài các nhu cầu cơ bản về báo cáo thì Home có rất nhiều nhu cầu về machine learning. Hiện tại ở Home mình đang vận hành một hệ thống về Underwriting khá là “ổn áp”, trong đó phần lớn dựa trên các hệ thống Scoring, cũng như là Decision Entrance, cho phép sử dụng dữ liệu để ra các quyết định kinh doanh và cho vay. Điều đó cho thấy là ngoài việc có nhu cầu sử dụng dữ liệu lớn, Home còn biết cách mà mang dữ liệu này sử dụng một cách hiệu quả và chuyển đổi từ dữ liệu sang lợi ích về mặt kinh doanh.

 

Vậy thời điểm mà anh Bách ứng tuyển vào Home thì vị trí công việc có đáp được kỳ vọng của anh hay không?

💬 Thời điểm anh nhận được mô tả công việc (JD) của Home thì anh có ấn tượng hơi không tốt một chút, vì title của Home không giống các title mà thị trường hay sử dụng. Title mà Home sử dụng là Business Intelligent Team Leader. Nếu tách riêng title này mang ra ngoài cho ứng viên đọc thì 90% người ta sẽ nghĩ title này sẽ vào làm về reporting, xây dựng data, passport,… Tuy nhiên, khi anh đọc đến phần JD thì anh thấy công việc này thật ra là làm về Big Data Engineering, nên anh vẫn quyết định thử ứng tuyển.

Quá trình ứng tuyển làm cảm nhận của anh thay đổi về Home hoàn toàn. TA (Talent Acquisition – Chuyên viên Thu hút Nhân tài) ở Home để lại cho anh ấn tượng đặc biệt khi các bạn có sự am hiểu nhất định về công việc mà các bạn đang tuyển. Bạn có thể trao đổi với anh về các thuật ngữ chuyên ngành, về các khái niệm về mặt dữ liệu, một phần nào đó nắm tổng quát về công việc anh đang làm. Do đó anh có thiện cảm nhiều hơn với công việc mà anh đang ứng tuyển. Tiếp đến là khi anh trao đổi phỏng vấn với line manager (quản lý trực tiếp) của anh, ông ấy cho anh thấy được góc nhìn, cũng như các định hướng của ông về bài toán dữ liệu tại Home Credit. Cuối cùng, anh đã gia nhập Home với vị trí Team Leader của team Big Data.

 

Vậy còn góc nhìn của anh về công ty Home Credit trước và sau khi anh vào Home có thay đổi không?

💬 Thật ra đây không phải là lần đầu tiên anh làm tại công ty trong ngành Tài chính Ngân hàng. Trước đây, góc nhìn của anh về những công ty này là họ kinh doanh những giải pháp mang tính truyền thống và cổ điển, điều đó dẫn đến cái cách họ vận hành, tương tác và làm việc nó sẽ hơi truyền thống, có phần hơi chậm và thụ động một chút. Tuy nhiên, trải nghiệm của anh ở Home khác biệt rất nhiều, vì anh cảm nhận được sự năng động và đa dạng hơn.

Khi làm việc với các đồng nghiệp ở Home, anh thấy mọi người không giữ cho mình một mindset cứ làm việc đủ 8 tiếng là đi về, mọi thứ cứ bình bình chạy qua ngày mà mọi người có một sự “aggressive” hiếm có ở những công ty chung lĩnh vực khác.

 

Chúng ta đã nói khá nhiều về những cái chuyển đổi ở bên trong anh Bách về phạm vi công việc cũng như về mặt leadership. Làm việc trong một công ty cũng không ngừng chuyển đổi như Home, công việc của team Big Data Engineer có những cái thay đổi hay những dịch chuyển gì kể từ thời điểm anh vào Home không? Và những chuyển đổi đó đã tác động như thế nào đến công việc của anh và team?

💬 Vốn dĩ Home đã có nhu cầu tương đối cao về mặt dữ liệu rồi, nhưng về sau càng có nhiều dự án liên quan đến dự liệu nên nhu cầu này ngày càng gia tăng rõ rệt. Do đó, có nhiều team được thành lập để làm về dữ liệu hơn cùng với nhiều bài toán dữ liệu cần phải giải quyết hơn, khiến team anh cũng có nhiều động lực và cả áp lực nữa. Cụ thể là làm sao phải xây dựng được một hệ thống, làm sao phải vận hành để có thể đáp ứng được nhu cầu dữ liệu của toàn bộ công ty một cách phải suôn sẽ nhưng đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng dữ liệu như yêu cầu. Cũng chính vì vậy, team anh cũng được tăng thêm số lượng nhân sự từ 4 người lên 7 thành viên như thời điểm hiện tại (bao gồm cả anh).

Với số lượng nhân sự như vậy thì team cũng sẽ chịu trách nhiệm xử lý nhiều dự án lớn hơn; đồng thời cũng nhận được tin tưởng từ cấp trên cho những dự án quan trọng và có sự thay đổi về mặt phạm vi công việc. Trước đây, những bài toán chính về mặt dữ liệu sẽ được phía Tập đoàn giải quyết và đưa đáp án, Home Credit các nước sẽ nhận đáp án và triển khai. Tuy nhiên trong khoảng từ 1 đến 2 năm trở lại đây, anh nhận thấy một sự chuyển đổi rõ rệt khi mà những bài toán đó nay đã được đưa về phía các nước để giải quyết, trong đó có Home Credit Việt Nam. Điều đấy sẽ tạo nên nhiều thử thách nhưng đồng thời nó cũng tạo nên nhiều cơ hội hơn cho những người làm dữ liệu như team của anh.

 

Vậy anh và team đã thích nghi như thế nào với những thay đổi đó?

💬 Phải thú thật là vẫn còn nhiều khó khăn. Đầu tiên là về mặt quản lý, khi team nhanh chóng gia tăng số lượng thành viên trong một thời gian ngắn thì mô hình quản lý cũng như cách quản lý cũ sẽ không còn hiệu quả nữa. Ví dụ như trước đây, để nắm bắt công việc trong team thì các thành viên sẽ tương tác với nhau thông qua những buổi meeting nhanh vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, với số lượng 7 thành viên thì mình không thể thực hiện những buổi như vậy được nữa. Đồng nghĩa với việc  mình phải có giải pháp khác để mọi người vẫn nắm bắt được tiến độ công việc của nhau nhưng không mất quá nhiều thời gian. Phải có sự share off nhất định vì lúc trước đây các bạn thành viên phải nắm rất kỹ các bạn thành viên khác trong team đang làm gì thì giờ họ chỉ cần nắm mang tính tổng quát để hiểu được và khi cần thiết có thể phối hợp.

Một cái thay đổi thứ hai là cách các thành viên trong team tương tác với nhau. Với khối lượng công việc nhiều như hiện tại, mỗi một project, mỗi một đầu việc không thể handle bởi tất cả các thành viên nữa

mà thường sẽ chia thành từng cụm 2 đến 3 bạn handle một đầu việc. Với mỗi một nhóm nhỏ như vậy sau khi handle họ sẽ chia sẻ lại cho những thành viên khác trong team nắm bắt và đảm bảo rằng dù cần handle rất nhiều thứ nhưng sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau, không ai là không biết những người khác đang làm gì, tất cả mọi người đều chung một chiến tuyến.

Do đó cho dù có gặp thử thách thì team cũng cố gắng giải quyết và gặt hái một số thành tựu nhất định. Ví dụ trong thời gian đầu, team chủ yếu là làm theo những practice, những giải pháp mà vùng cung cấp xuống; nhưng ở thời điểm hiện tại, team tự tin đưa ra những giải pháp của riêng Việt Nam rồi. Giờ đây, những giải pháp mà vùng cung cấp, team sử dụng để mang tính tham khảo, chứ không hoàn toàn phụ thuộc như trước đây. Điều đó nó tạo cho Việt Nam có một sự tự chủ riêng nhất định về cách sử dụng, xử lý, quản lý dữ liệu như thế nào.

 

Vậy xét về môi trường và con người, đâu là điểm anh cảm thấy ấn tượng nhất sau 2 năm làm việc tại Home?

💬 Anh nghĩ là sẽ có khá nhiều điểm để nói. Tuy nhiên, điểm mà anh ấn tượng nhất đó chính là văn hóa của Home. Như anh có đề cập trước đó, ở Home không mang lại cho anh cảm giác truyền thống, thụ động, chậm chạp. Mọi người làm việc theo quy trình nhưng vẫn mang năng lượng trẻ trung và nhiệt huyết. Mọi người khi làm việc không có mindset chỉ làm đủ công việc của mình là xong mà sẽ luôn hướng tới việc làm mọi thứ trở nên tốt hơn. Điều này được cộng hưởng qua lại giữa các team, các bộ phận và giữa các cá nhân tại Home, dẫn đến một môi trường làm việc khác biệt rõ rệt so với những công ty Tài chính Ngân hàng còn lại.

Thứ hai là cách mà Home xây dựng văn hóa của mình. Home có sự quan tâm về nhân viên không chỉ dưới góc độ công việc mà còn là dưới góc độ tâm lý và cuộc sống. Ở Home có rất nhiều workshop được tổ chức định kỳ, chia sẻ về những vấn đề như làm sao để cân bằng công việc và cuộc sống, làm thế nào để giao tiếp với con cái, …. Những wokshop như vậy giúp cho nhân viên ở Home như anh không những học hỏi được nhiều mà còn là nơi để mình chia sẻ những góc nhìn, trải nghiệm của bản thân.